Vì sao ngư dân vay vốn đóng tàu bị chậm?
Hiện tổng số lượng tàu cá đóng mới, nâng cấp Bộ NN&PTNT phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố là 2.284 chiếc trong đó có 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần là những ngư dân đã được phê duyệt vay. Tuy nhiên, tín dụng đến với ngư dân vẫn đang tắc nghẽn.
Báo cáo của NHNN cho hay: Đến nay mới có 6 UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách cho 152 chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể để vay vốn ngân hàng. Tính đến ngày 10/12/2014 đã có 2 ngân hàng ký hợp đồng cho vay đối với 2 ngư dân. BIDV ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 2,2 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 11 năm với một khách hàng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900CV. Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi ký kết Hợp đồng tín dụng số tiền 20,4 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 11 năm với Công ty Cổ phần thủy sản Lý Sơn để đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá.
Phê duyệt mẫu tầu chậm
Tại tỉnh Quảng Ngãi với 40/152 tàu đã được phê duyệt, qua khảo sát, nguyên nhân chính do “nút thắt” tại khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương. Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách hộ ngư dân đợt 1 được vay vốn gồm 40 tàu. Trong đó, Agribank mới ký kết hợp đồng tín dụng số tiền 20,4 tỷ đồng. Từ nay đến hết tháng 12/2014 sẽ cố gắng để giải ngân thêm 1 - 2 trường hợp nữa. Rào cản lớn nhất hiện nay theo ông Thọ do các thiết kế mẫu tàu được phê duyệt quá chậm. Phải đến cuối tháng 11 vừa rồi Bộ NN&PTNT mới duyệt 21 mẫu tàu vỏ thép. “21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đại diện cho các vùng biển trên cả nước, tuy nhiên từng chủ tàu do kinh nghiệm, ngư trường, ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất. Do vậy, 21 mẫu thiết kế tàu chỉ là mẫu thôi chứ không thể dùng thiết kế đóng 100% con tàu theo mẫu này được”- Ông Thọ nói.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, Phan Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân chưa giải ngân do còn phải tuân thủ theo tuần tự thủ tục từ khâu UBND tỉnh phê duyệt đến công ty tư vấn lập thiết kế, dự toán, chủ tàu liên hệ công ty đóng tàu, sau đó ngân hàng mới ký hợp đồng tín dụng cho vay. “Thiết kế mẫu tàu, ban hành trên trang web của Bộ NN&PTNT, mỗi bản thiết kế từ 80 - 90 bản vẽ, kèm theo khái toán để chủ tàu lựa chọn vay sử dụng đóng tàu của mình, ngư dân phải vào trang web để in bộ thiết kế. Hiện tại, Bộ NN & PTNT đang in ấn mẫu tàu để gửi cho các địa phương, phân phát cho chủ tàu, làm cơ sở để ngân hàng cho vay…” ông Hoàng chia sẻ.
Mê tín kiêng đóng tàu 2 năm
Nguyên nhân nữa của việc chậm giải ngân nguồn vốn Nghị định 67 là theo phong tục các chủ tàu “kiêng” đóng tàu 2 năm (âm lịch), vì vậy đa số có tư tưởng đợi sang năm mới ký hợp đồng đóng tàu và vay ngân hàng. Ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạnh Bình 1, xã Phổ Thạnh, huyện Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi đang làm thủ tục vay ngân hàng để đóng mới tàu gỗ trị giá 6 tỷ đồng, đang đợi được phê duyệt thiết kế và dự toán kinh phí tàu do tỉnh phê duyệt. Do kiêng đóng tàu 2 năm “âm lịch”, tôi đã ứng trước gần 2 tỷ đồng (30% vốn đối ứng theo quy định của Nghị định 67) để đóng tàu cho kịp trước Tết âm lịch nhằm tránh đến khi ký hợp đồng với ngân hàng mới triển khai thì muộn”.
Bên cạnh đó việc ngư dân không đáp ứng được 30% vốn đối ứng với tàu gỗ, 5% với tàu sắt theo quy định tại Nghị định 67 cũng là một khó khăn. Ông Lê Hồng, Phó giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trong số 18 hồ sơ được tỉnh phê duyệt vay vốn của Agribank, có 3 trường hợp đang vướng về vốn tự có. Những trường hợp này, do không tính toán kỹ ngay từ đầu, khi đăng ký qua xã, đã trình lên rồi, xong họ lại cân nhắc, tìm hiểu kỹ lại và nhiều khả năng họ không có nhu cầu vay vốn. “Quy định này tại Nghị định 67 là cũng để ngư dân chứng minh được họ có khả năng, năng lực tài chính của chủ tàu, giúp ngư dân có trách nhiệm hơn với con tàu của mình”, ông Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi, Trần Luyện cho rằng, chủ tàu tham gia một nguồn vốn ít, chủ yếu là vốn vay của ngân hàng. Do vậy, về nguyên tắc vốn vay phải có hoàn trả, vốn vay đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Làm được hai điều này đảm bảo lợi ích cho ngư dân, ngân hàng sau này thu hồi vốn, nhà nước có một đội tàu hùng mạnh.
Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
(Trích khoản c Điều 4 Nghị định 67)
Theo Báo Tiền Phong online